TIN TỨC & SỰ KIỆN

|

Tin tức - Sự kiện

Tinh thần yêu nước – nguồn sức mạnh vô địch

Lịch sử hình thành và phát triển của dân tộc Việt Nam từ thời các Vua Hùng, Hai Bà Trưng, Bà Triệu… cho đến các triều đại sau này như Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hồ, Hậu Lê… cho đến Thời đại Hồ Chí Minh, suy đến cùng cũng là lịch sử phát triển tinh thần yêu nước của các thế hệ người Việt Nam.

 

Đối với người Việt Nam, tinh thần yêu nước không chỉ là một trạng thái tâm lý, một sắc thái tình cảm, mà là một giá trị cao nhất trong bảng giá trị, một chân lý, một phẩm chất đặc biệt, một thước đo sự gắn bó máu thịt giữa mỗi cá nhân, cộng đồng với vận mệnh của Tổ quốc.

Vai trò của tinh thần yêu nước đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định từ thực tiễn lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”. Trong chín năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược nói chung, trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ nói riêng, tinh thần yêu nước đã được phát huy đến đỉnh cao mới, trở thành động lực, vũ khí tinh thần “mạnh hơn sắt thép”. Tinh thần yêu nước không dừng lại ở những khái niệm chung chung, mà được cụ thể hóa vô cùng sinh động vào suy nghĩ, hành động của quân và dân ta từ hậu phương đến tiền tuyến, từ người Kinh đến đồng bào dân tộc thiểu số, từ phụ nữ đến thanh niên, thiếu nhi, hay các cụ già; thành mẫu số chung để liên kết các tầng lớp nhân dân ở khắp mọi miền trong sản xuất, chiến đấu và phục vụ chiến đấu, thể hiện hùng hồn ý chí “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” hay tinh thần “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”…

Tinh thần yêu nước biểu hiện rõ nhất, đầy đủ nhất và in đậm dấu ấn bản sắc Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại ở những anh Bộ đội Cụ Hồ, ở những thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến… chiến đấu và phục vụ chiến đấu trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Không thể kể hết được sự thông minh, sáng tạo, mưu trí, những hành động chiến đấu vô cùng anh dũng, kiên cường, không sợ hy sinh thân mình của những Anh hùng Tô Vĩnh Diện, Phan Đình Giót, Bế Văn Đàn, Phùng Văn Khầu, Lê Văn Dỵ, Trần Can… Những anh hùng ấy cùng với hàng chục nghìn người lính tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ đã trở thành biểu tượng tiêu biểu nhất cho một dân tộc chưa bao giờ khuất phục trước bất cứ kẻ thù xâm lược nào. Bên cạnh những người nông dân mặc áo lính, tham gia chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ còn có khoảng 20.000 thanh niên xung phong và hàng vạn dân công hỏa tuyến tham gia khôi phục, mở hơn.

4.500 km đường giao thông, sửa chữa cầu, đường, phá bom, vận tải vũ khí, lương thực, thực phẩm phục vụ chiến đấu. Nhiều địa điểm được ví như “yết hầu” trên các tuyến lửa, địch bắn phá rất ác liệt nhưng vẫn không thể ngăn được ý chí kiên cường của những chàng trai, cô gái với những chiếc búa, cuốc, xẻng… thô sơ cùng đôi bàn tay chai sạn bám trụ ngày đêm ở ngã ba Cò Nòi, Đèo Chẹn, Suối Rút, Lũng Lô, Pha Đin… giữ cho con đường ra mặt trận luôn thông suốt. Hàng vạn dân công hỏa tuyến với khoảng 20.000 xe đạp thồ vượt đèo, băng rừng, bất chấp mưa bom, bão đạn chở hàng ra mặt trận. Nhiều người đã lập được những chiến công phi thường. Người dân công Ma Văn Thắng (quê ở Phú Thọ) đã chở được hơn 300 kg hàng, gấp hơn sáu lần số lượng một chiếc xe đạp thồ bình thường. Họ đã sống, chiến đấu, phục vụ chiến đấu, hiến dâng cả tuổi trẻ, vượt qua mọi gian khổ, hiểm nguy, không ai nghĩ cho riêng mình, đặt sự thắng lợi của chiến dịch, của cuộc kháng chiến, của vận mệnh dân tộc lên trên hết thảy. Tinh thần yêu nước từ tình cảm, tâm lý thành lẽ sống của họ, biểu hiện thành hành động phi thường trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu.

Tinh thần yêu nước trở thành sức mạnh để đoàn kết muôn người như một, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, lứa tuổi, giới tính, giai cấp…. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, đồng bào các dân tộc thiểu số đến từ các địa bàn khác nhau nhất là ở các tỉnh trung du, miền núi phía bắc… đã đóng góp sức người, sức của to lớn góp phần vào thắng lợi vĩ đại của chiến dịch. Với truyền thống “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”, hàng nghìn chị em phụ nữ bất chấp gian khổ, hiểm nguy, trèo đèo, lội suối hăng hái tham gia các đội dân công hỏa tuyến vận chuyển đạn dược, lương thực, thực phẩm, tải thương, chăm sóc thương binh…

Có rất nhiều yếu tố được xem là động lực góp phần làm nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, nhưng trong tương quan lực lượng lúc bấy giờ giữa ta và địch, chính tinh thần yêu nước của quân, dân ta đã tạo nên nguồn sức mạnh vô địch của chính nghĩa mà kẻ thù không thể khuất phục được bằng bom đạn, bằng cái chết, bằng âm mưu thủ đoạn cho dù thâm độc đến đâu. Đặc biệt, tinh thần yêu nước lại được soi sáng bởi đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện đặc sắc, đúng đắn, sáng suốt mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra, nên càng tăng thêm bội phần sức mạnh. Yếu tố truyền thống và yếu tố hiện đại kết hợp chặt chẽ tâm lý dân tộc giúp cho tinh thần yêu nước của người Việt Nam từ xưa đến nay không bao giờ có yếu tố cực đoan ngay cả khi phải đối mặt với kẻ thù tàn bạo. Cách chúng ta đối xử khoan dung với hàng vạn binh lính Pháp thua trận ở Điện Biên Phủ là một thí dụ.

Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là một dịp để khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường của dân tộc Việt Nam, tri ân những cán bộ, chiến sĩ và đồng bào ta đã đóng góp sức người, sức của, đã hy sinh quên mình cho độc lập, tự do, cho danh dự của Tổ quốc, cho phẩm giá của con người. Trong bối cảnh hiện nay, cần gắn việc khơi dậy tinh thần yêu nước với công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, bởi đây chính là giải pháp tạo ra chiều sâu, tính bền vững của công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị – nhiệm vụ trực tiếp liên quan đến sự sống còn của chế độ. Khi tinh thần yêu nước thật sự thấm sâu vào từng suy nghĩ, lời nói và hành động của mỗi cán bộ, đảng viên, thành tiêu chí và thước đo phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ thì chắc chắn sẽ ngăn chặn có hiệu quả sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đang là căn bạo bệnh cần phải chữa trị tích cực, kịp thời. Đặc biệt quan tâm giáo dục tinh thần yêu nước trong giới trẻ. Tổ chức Đoàn, Hội, Đội phải tạo ra được những phong trào hành động cách mạng thật nhiều “lửa”, có sức lôi cuốn, thôi thúc nhiệt huyết của thanh, thiếu nhi. Nếu có hàng chục triệu “chiến sĩ Điện Biên” trẻ tuổi trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, cùng sự đồng sức, đồng lòng của cả dân tộc thì chắc chắn mục tiêu phát triển đất nước do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề ra sẽ thành công sớm hơn trong thực tiễn.

Báo Nhân Dân


     

 
Các Tin tức - Sự kiện đã đưa
   Thăm, tặng quà các chiến sĩ trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ (16:44 - 08/05/2024)
   Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975: Chủ trương, kế hoạch chiến lược và thời cơ (16:44 - 08/05/2024)
   Tái diễn những luận điệu sai trái, xuyên tạc (16:41 - 08/05/2024)

Xem bài viết theo ngày
RadDatePicker
Open the calendar popup.