Nguyễn Hồng Long:
[18:16- Ngày 15/04/2025]
Góp ý về đề án phân chia thành lập Phường tại quận 1 như sau:
1. Nên chia quận 1 thành 3 Phường:
+ Phường thứ nhất (Tên Phường Tân Định) được giới hạn bởi đường Hai Bà Trưng, kênh Hoàng Sa - Trường Sa và sông Sài Gòn;
+ Phường thứ hai (Tện Phường Bến Thành) được giới hạn bới các đường Hai Bà Trưng, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Thái Học, Rạch Bến Nghé và sông Sài Gòn;
+ Phường thứ ba (Tên phường Phạm Ngũ Lão) được giới hạn bởi các đường Nguyễn Thái Học, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Văn Cừ và Rạch Bến Nghé.
Phòng Nội vụ: [14:39- Ngày 18/04/2025]
Ngày 15 tháng 4 năm 2025, Phòng Nội vụ Quận 1 nhận được ý kiến đề xuất phương án sắp xếp phường thuộc Quận 1 của ông Nguyễn Hồng Long, email: honglong.arch@gmail.com, số điện thoại: 0908445386 trên cổng thông tin của Ủy ban nhân dân Quận 1.
Phòng Nội vụ Quận 1 thông tin đến ông như sau:
Theo Nghị quyết số 76/2025/UBTVQH15 ngày 14 tháng 4 năm 2025 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có quy định:
“Điều 1. Phạm vi, mục tiêu của việc sắp xếp đơn vị hành chính năm 2025
3. Sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã quy định tại Nghị quyết này là việc thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính cấp xã để bảo đảm có số lượng, quy mô phù hợp, cả nước giảm khoảng 60% đến 70% số lượng đơn vị hành chính cấp xã so với hiện nay, đáp ứng yêu cầu tổ chức chính quyền địa phương cấp xã gần dân, sát dân, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Trường hợp sắp xếp phường với các đơn vị hành chính cùng cấp thì đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp là phường; trường hợp sắp xếp xã, thị trấn thì đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp là xã”.
“Điều 5. Định hướng về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính cấp xã hình thành sau sắp xếp
1. Căn cứ vào nguyên tắc sắp xếp đơn vị hành chính quy định tại Điều 2 của Nghị quyết này, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm xây dựng, lựa chọn phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, bảo đảm giảm khoảng 60% đến 70% tổng số đơn vị hành chính cấp xã trước sắp xếp trên địa bàn, phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, miền núi, vùng cao, biên giới, vùng đồng bằng, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và đáp ứng các định hướng sau đây:
a) Xã miền núi, vùng cao hình thành sau sắp xếp đạt có diện tích tự nhiên đạt từ 200% trở lên và quy mô dân số đạt từ 100% trở lên tiêu chuẩn của xã tương ứng quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính;
b) Xã hình thành sau sắp xếp không thuộc điểm a khoản này có quy mô dân số đạt từ 200% trở lên và diện tích tự nhiên đạt từ 100% trở lên tiêu chuẩn của xã tương ứng quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính;
c) Phường hình thành sau sắp xếp thuộc thành phố trực thuộc trung ương có quy mô dân số từ 45.000 người trở lên; phường thuộc tỉnh hình thành sau sắp xếp ở khu vực miền núi, vùng cao, biên giới có quy mô dân số từ 15.000 người trở lên; các phường còn lại có quy mô dân số từ 21.000 người trở lên; diện tích tự nhiên đạt từ 5,5 km2 trở lên.
d) Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã thuộc đơn vị hành chính cấp huyện ở hải đảo phải bảo đảm quốc phòng, an ninh theo định hướng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt”.
“Điều 7. Tên của đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã hình thành sau sắp xếp
1. Tên của đơn vị hành chính cấp tỉnh hình thành sau sắp xếp được đặt theo tên của một trong các đơn vị hành chính trước sắp xếp phù hợp với định hướng sắp xếp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
2. Việc đặt tên, đổi tên của đơn vị hành chính cấp xã được quy định như sau:
a) Tên của đơn vị hành chính cấp xã cần dễ đọc, dễ nhớ, ngắn gọn, bảo đảm tính hệ thống, khoa học, phù hợp với các yếu tố truyền thống lịch sử, văn hóa của địa phương và được Nhân dân địa phương đồng tình ủng hộ;
b) Khuyến khích đặt tên của đơn vị hành chính cấp xã theo số thứ tự hoặc theo tên của đơn vị hành chính cấp huyện (trước sắp xếp) có gắn với số thứ tự để thuận lợi cho việc số hoá, cập nhật dữ liệu thông tin;
c) Tên của đơn vị hành chính cấp xã không được trùng với tên của đơn vị hành chính cùng cấp trong phạm vi đơn vị hành chính cấp tỉnh hoặc trong phạm vi đơn vị hành chính cấp tỉnh dự kiến hình thành sau sắp xếp”.
Từ những quy định trên, nhằm đảm bảo tỷ lệ giảm 60% tổng số đơn vị hành chính phường trước sắp xếp của Quận 1, thuận lợi trong công tác quản lý địa bàn, đảm bảo yêu cầu gần dân, sát dân hơn, giảm áp lực đối với đội ngũ cán bộ, công chức trong việc giải quyết nhu cầu của người dân sau khi sắp xếp thành phường mới; phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội, quản lý các dự án đang triển khai thực hiện và được phê duyệt nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế, mở rộng không gian phát triển của các phường sau khi sắp xếp, Phòng Nội vụ đã tham mưu Ủy ban nhân dân Quận 1 trình Ban Thường vụ Quận ủy phương án sắp 10 phường của quận thành 04 phường gồm: Tân Định, Sài Gòn, Bến Thành, Cầu Ông Lãnh và đã được Ban Thường vụ Quận ủy thông qua tại cuộc họp ngày 16 tháng 4 năm 2025.
Trân trọng cảm ơn sự quan tâm, đóng góp ý kiến của ông Nguyễn Hồng Long!